#4. Xử lý những cơn sóng cảm xúc của trẻ dịp Tết
Hướng dẫn bố mẹ hỗ trợ con vượt qua những cảm xúc khó chịu dịp Tết - Giúp con và cả gia đình tập trung tận hưởng kỳ nghỉ Tết.
Tết đến, trẻ háo hức khi được
Nghỉ học
Gặp gỡ ông bà, họ hàng,
Bố mẹ dẫn đi chơi
Ăn nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt
…
Tuy nhiên, trong những ngày Tết, khi mà lịch sinh hoạt, chế độ ăn uống của trẻ có nhiều thay đổi, di chuyển nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người hơn cũng khiến chúng dễ bị căng thẳng, mệt mỏi. Những căng thẳng mệt mỏi này lại khiến trẻ dễ mè nheo, khóc lóc hơn ngày thường.
Trước những cơn ăn vạ, mè nheo của trẻ bố mẹ thường bối rối không biết xử lý sao hoặc quát mắng để trẻ dừng lại. Bản tin tuần này đưa ra một số hướng dẫn giúp bố mẹ xử lý những cảm xúc khó chịu của trẻ để cả gia đình tập trung tận hưởng kỳ nghỉ Tết.
1. Tết ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ như thế nào?
Những ngày Tết có thể là một chuỗi cảm xúc lẫn lộn đối với trẻ. Một bên là những cảm xúc
Vui mừng khi được tặng quà
Háo hức với những chuyến đi chơi, gặp gỡ họ hàng
Thích thú khi thấy nhiều bánh kẹo, nước ngọt
Nhưng bên cạnh đó trẻ cũng cảm thấy
Khó chịu khi phải di chuyển nhiều
Bất an khi thói quen sinh hoạt hàng ngày bị thay đổi
Buồn chán khi tham gia những cuộc gặp gỡ của người lớn
Cáu gắt vì thiếu ngủ
Những hoạt động, sự kiện diễn ra liên tục trong dịp Tết đem đến cho trẻ quá nhiều kích thích về giác quan. Trong cuốn sách Help Your Child Deal With Stress của Tiến sĩ Stuart Shanker có đề cập đến việc khi trẻ chịu nhiều kích thích dễ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và dẫn đến khó kiểm soát cảm xúc của bản thân. Trẻ có thể trở nên cáu gắt, bướng bỉnh, thậm chí là đánh nhau, la hét hoặc không nói, từ chối tham gia các hoạt động...
Nhiều bố mẹ cho rằng trẻ cố tình quậy phá, mè nheo trong những ngày Tết. Nhưng không phải, trẻ cũng gặp những căng thẳng, khó chịu giống như người lớn. Trẻ cần bố mẹ hiểu và thông cảm, hỗ trợ những lúc con thấy khó chịu thay vì bắt ép chúng phải bình tĩnh ngay. Khi cảm xúc khó chịu được xoa dịu, trẻ và cả gia đình có thể tập trung tận hưởng kỳ nghỉ Tết vui vẻ.
2. Ứng phó với những cơn sóng cảm xúc khó chịu của trẻ trong dịp Tết
Những căng thẳng xảy ra với trẻ trong dịp Tết là không tránh khỏi. Một số chia sẻ dưới đây hướng dẫn bố mẹ những cách ứng xử giúp giảm thiểu những cơn quấy khóc, mè nheo, giận dữ của trẻ.
Những điều bạn có thể thực hiện ngay từ bây giờ
Trò chuyện với trẻ về kỳ vọng
Trẻ thường háo hức, mong chờ những buổi đi chơi, gặp gỡ mọi người, được tặng quà, lì xì, được ăn nhiều bánh kẹo.... Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra như mong đợi và trẻ cảm thấy thất vọng vì điều đó. Trẻ có thể không được đi chơi ở khu vui chơi như bố mẹ đã hứa vì có họ hàng đến thăm, bữa ăn không có món ăn yêu thích, không được gặp anh, chị, em họ…
Trước Tết, bố mẹ trò chuyện nhiều hơn với trẻ về những gì sẽ diễn ra trong kỳ nghỉ và giúp chúng hiểu rằng mọi việc không diễn ra đúng như kế hoạch cũng không sao. Bố mẹ giúp trẻ tập trung vào những khoảnh khắc kết nối, niềm vui thay vì những điều chưa được như ý.
Hình dung về cách bạn sẽ phản ứng
Mặc dù bạn không thể lường trước được hết tất cả những tình huống có thể xảy ra, nhưng bạn hiểu con mình và có thể đoán được chúng sẽ phản ứng như thế nào trong một số trường hợp. Vì vậy, từ hôm nay, bạn bắt đầu hình dung về những gì mình sẽ phản ứng khi con đòi uống lon nước ngọt thứ 3 trong ngày, đòi xem tivi đến khuya và mè nheo khi không được theo anh, chị, em họ đi chơi…
Lựa chọn một trong những tình huống trên và tiếp tục các bước tiếp theo
Suy nghĩ xem bạn sẽ phản ứng như thế nào với tình huống này? Bạn tức giận và to tiếng, hay dễ dãi bỏ qua, hay bình tĩnh trò chuyện với con…?
Bây giờ, bạn hình dung về những gì tốt nhất bạn sẽ làm khi gặp phải tình huống này. Bạn lặp lại những lần hình dung càng nhiều càng tốt.
Hình dung giúp bạn phác thảo sơ bộ những hành động của mình bằng cách tưởng tượng từng bước cần thực hiện. Bạn đã luyện tập trong tâm trí nhiều lần và khi tình huống phát sinh trong thực tế, bạn sẽ có đủ kinh nghiệm để xử lý.
Tập dượt trước với trẻ những tình huống có thể xảy ra
Dịp Tết năm ngoái, mình có sủ dụng một bộ thẻ “Nghỉ lễ thử thách tớ đã có cách" bao gồm những tình huống không như ý để các con tập đóng vai. Ba bạn nhà mình đều hào hứng tham gia đóng vai, đưa ra rất nhiều phương án giải quyết từ nghiêm túc cho đến hài hước. Mỗi lần chơi đóng vai là một lần mình lắng nghe và hướng dẫn các con cách ứng xử phù hợp với mỗi tình huống.
Một số tình huống bạn có thể cùng con đóng vai, tập dượt trước đó là:
Con được tặng món quà và rất hào hứng mở ra nhưng lại không phải là thứ đồ chúng muốn.
Con đang chơi vui vẻ cùng anh, chị, em họ thì đến giờ ra về.
Con đang chơi đồ chơi thì em họ ra phá.
Anh, chị, em họ không chia sẻ đồ chơi cùng con.
Trong buổi gặp gỡ, người lớn tuổi gắp cho con món ăn mà con không thích.
…
Tăng kết nối giữa bạn và con
Tết luôn vội vã nhưng con thì vẫn luôn cần sự quan tâm, kết nối với bố mẹ. Một chút thời gian kết nối giúp trẻ cảm thấy an tâm trong những ngày mọi thứ đều đảo lộn.
Có thể là dành 10 phút cùng chơi trò chơi trước khi ra khỏi nhà.
Đó là việc ôm thêm vài cái trong ngày
Cùng ca hát trên đường đi, khi phải chờ đợi
Khi con đang quấy khóc, mè nheo bạn nên làm gì?
Bình tĩnh
Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước một đốm cháy nhỏ và trên tay cầm hai chiếc cốc - Một cốc đầy xăng và một cốc đầy nước. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thêm xăng vào lửa? Ngọn lửa sẽ bùng lên và lan rộng ra. Nhưng nếu bạn đổ cốc nước đầy thì đốm lửa nhỏ sẽ được dập tắt.
Ngọn lửa là cảm xúc khó chịu của con bạn mỗi khi chúng không được ăn bánh kẹo, tranh giành đồ chơi với em…Hai chiếc cốc là cách phản ứng của bạn.
Chiếc cốc đầy xăng là những phản ứng: quát mắng, mỉa mải, châm chọc, phớt lờ…
Chiếc cốc đầy nước là những phản ứng: đồng cảm, lắng nghe, tôn trọng…
Chỉ bằng cách phản ứng của mình bạn có thể thổi bùng hoặc xoa dịu những khó chịu, tức giận trong trẻ. Thái độ bình tĩnh của bạn chính là cái neo an toàn cho trẻ bám bào khi chúng đang trong những cơn sóng cảm xúc.
Mình biết là để giữ được bình tĩnh khi con đang gào khóc, ỉ ôi là rất khó, nhất là khi trong nhà có khách hay bạn còn đang làm dở việc gì đó. Trong tình huống nguy cấp đó, một số cách sau đây có thể giúp bạn lấy lại bình tĩnh:
Đếm nhẩm từ 1-10 hoặc nhiều hơn nếu cần
Im lặng và sử dụng các giác quan của bạn để cảm nhận xung quanh như âm thanh, mùi vị, nhiệt độ…
Hít thở sâu 3-5 nhịp
Và sau đó sử dụng cốc nước của bạn để dập tắt đốm lửa nhỏ nhé.
Gọi tên và xác nhận cảm xúc
Bạn thứ hai nhà mình buồn bã và không muốn lại gần mẹ khi không được đi chúc Tết cùng chị họ. Bạn út nhà mình cáu gắt vào buổi chiều khi không được ngủ trưa vì nhà quá ồn ào. Bạn lớn thì giận dỗi ra mặt khi không thể tranh được lon nước ngọt với em họ.
Có rất nhiều tình huống có thể khiến trẻ giận dữ, buồn bã, tổn thương mà đôi khi bạn không ngờ tới. Bước đầu tiên cần làm là gọi tên và xác nhận cảm xúc của trẻ. Các chuyên gia tâm lý trẻ em giải thích rằng việc xác nhận cảm xúc của trẻ là chìa khóa. Khi trẻ đang trong những cảm xúc khó chịu, việc gọi tên thành tiếng và nhận ra những gì chúng đang cảm thấy sẽ giúp chúng điều chỉnh được cảm xúc.
Con cảm thấy như thế nào khi không được đi chúc Tết cùng chị?
Có phải con đang khó chịu vì buồn ngủ?
Điều gì khiến con tức giận như vậy?
Sự đồng cảm của bố mẹ lúc này sẽ tạo cảm giác an toàn để con thoải mái chia sẻ về những cảm xúc khó chịu và giúp chúng hiểu rằng việc có những cảm xúc khó chịu là điều bình thường.
Để chuẩn bị cho bước này, ngay từ bây giờ bạn nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về cảm xúc. Trẻ càng có nhiều từ ngữ cảm xúc thì chúng càng có nhiều khả năng quản lý cảm xúc.
Con có thể làm gì vào lúc này?
Trong những tình huống phát sinh khiến trẻ cảm thấy khó chịu, bố mẹ thường tập trung vào những điều trẻ không được làm và ngăn cấm chúng. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn khi tìm cách ứng phó. Thay vào đó bố mẹ đưa ra cho trẻ những lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh và tập trung vào
Những gì trẻ có thể làm lúc này
Mẹ biết rằng con rất muốn đi chơi cùng với chị, nhưng xe đã chật chỗ. Con có thể chơi cùng các em khác trong khi chờ chị về.
Bố mẹ đưa ra 1-2 phương án giúp trẻ dễ dàng lựa chọn và tập trung sự chú ý vào những gì chúng có thể làm bây giờ thay vì cảm xúc khó chịu và những điều không được làm.
Kết luận
Có một điều chắc chắn là những cơn sóng cảm xúc khó chịu của trẻ sẽ không loại bỏ hoàn toàn, nhưng thực hiện nhất quán những cách ứng xử trên sẽ giúp bạn vượt qua nó một cách nhẹ nhàng hơn.
Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết đang đến gần, bạn lựa chọn thực hành những gợi ý nào trong bản tin này, comment cho mình biết với nhé. Mình sẽ chọn thực hành hình dung về những tình huống khó đỡ và cách phản ứng phù hợp nhất.
Cùng nhau tập luyện để sẵn sàng tập trung vào những trải nghiệm tuyệt vời của Tết
Tài liệu tham khảo: